Vận động xã hội & luật pháp
TUYÊN BỐ CỦA CÁC CHUYÊN GIA VỀ QUYỀN CON NGƯỜI NHÂN NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG KỲ THỊ LGBT (IDAHOBIT).
COVID-19: Những khó khăn và khả năng phục hồi của người LGBT phải được nhìn nhận và nằm trong kế hoạch của các quốc gia.
TUYÊN BỐ CỦA CÁC CHUYÊN GIA VỀ QUYỀN CON NGƯỜI NHÂN NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG KỲ THỊ LGBT (IDAHOBIT).
17 tháng 5 năm 2020
Geneva/Washington D.C./Strasbourg
Trước thềm Ngày Quốc tế Chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOBIT), 17 tháng 5 năm 2020, một nhóm các cơ quan Liên hiệp quốc và các chuyên gia quốc tế về quyền con người* kêu gọi các quốc gia và các bên liên quan khẩn cấp xem xét tác động của COVID-19 đến cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và đa dạng giới (LGBT) khi thiết kế, thực hiện và đánh giá các biện pháp để chống lại đại dịch.
Thực tế việc không được tôn trọng và thực hiện quyền, nghĩa vụ sống của người LGBT xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, thực tế này cũng ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu, phân bổ tài nguyên và hỗ trợ cho các tổ chức xã hội. Chính vì vậy, cuộc chiến chống lại đại dịch đã không được tiến hành trong một bối cảnh bình đẳng. Trong tất cả các khía cạnh, người LGBT không hề được hiện diện trong câu chuyện hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư và những người thiếu hụt các chăm sóc y tế, có nghĩa là họ có thể bị ảnh hưởng đặc biệt do đại dịch.
Ở nhiều quốc gia, mỗi khi một người chuyển giới nữ rời khỏi nhà, cô ấy phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng mình sẽ bị tra tấn hoặc giết chết trước khi màn đêm buông xuống, còn người đồng tính nữ thì có mặt bằng chung về sức khỏe thấp hơn hẳn những người khác, và người song tính luôn phải sống cuộc đời phải che giấu xu hướng tính dục của mình. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử dành cho người đồng tính nam và chuyển giới nữ dẫn đến việc họ chiếm tỷ lệ đáng kể những người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch đã bị tổn hại, từ đó khiến họ có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19. Tuy nhiên, việc hình sự hóa, kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng này khiến các dữ liệu về họ không thể được ghi nhận đầy đủ, do đó không thể nắm bắt được liệu họ đang bị ảnh hưởng như thế nào bởi đại dịch.
Những trải nghiệm về sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử càng nhân lên với các yếu tố khuyết tật, tuổi tác, sắc tộc/chủng tộc, giới tính, dân tộc thiểu số, tình trạng kinh tế xã hội và/hoặc đẳng cấp, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quan điểm chính trị, nguồn gốc quốc gia, di cư hoặc tình trạng di cư, hôn nhân và/hoặc mang thai, sống ở thành thị/nông thôn, tình trạng sức khỏe và quyền sở hữu tài sản. Nếu các quốc gia và các bên liên quan khác, bao gồm các doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, mong muốn giải giải quyết các tác động của đại dịch một cách toàn vẹn, họ cần phải thừa nhận một cách vô điều kiện rằng những người LGBT luôn hiện diện trong tất cả các nhóm nêu trên, do đó phải được có những động thái phù hợp.
COVID-19 và những biện pháp đã từng được thực hiện để giải quyết nó, đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Ví dụ, sự tồn tại của luật hình sự hóa người LGBT ở nhiều quốc gia, làm cho họ dễ bị lạm dụng, bắt và giam giữ một cách tùy tiện hơn bởi cảnh sát trong bối cảnh hạn chế đi lại và đóng cửa ở nhiều số quốc gia. Hay trong khi góp phần vào cuộc chiến chống lại đại dịch bằng cách ở yên trong nhà, trẻ em, thanh thiếu niên và người LGBT lớn tuổi buộc phải chịu đựng sự tương tác liên tục với các thành viên gia đình vốn không chấp nhận họ, thực tế này làm gia tăng tỷ lệ bạo lực gia đình, lạm dụng về thể chất và tinh thần, cũng như tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của người LGBT.
Tại nhiều khu vực, cuộc sống của những người LGBT, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người không có giấy tờ, phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động kinh tế phi chính thức vốn không thể thực hiện được bởi các hạn chế do COVID-19. Hậu quả kinh tế xã hội của đại dịch và mất thu nhập cũng có thể làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của người LGBT đối với nạn buôn người và bóc lột tình dục. Việc tái phân bổ nguồn lực y tế cũng đã tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thuốc men cho những người nhiễm HIV, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng của người chuyển giới nam và nữ được điều trị nội tiết tố hoặc chuyển đổi giới tính. Luật pháp và chính sách cách ly dựa trên giới tính (sinh học) đã khiến những người nằm trong nhóm đa dạng tính dục phải ẩn mình vĩnh viễn, trong khi khiến cho các cá nhân là người chuyển giới trở thành mục tiêu bị làm nhục và tấn công bạo lực.
Đại dịch cũng đã tạo ra bối cảnh thuận lợi cho việc gia tăng những sự áp bức. Cụ thể, một số quốc gia đã ban hành các biện pháp cố ý nhắm vào người LGBT bên dưới vỏ bọc y tế công cộng, bao gồm các đề xuất về luật pháp nhằm chối bỏ sự công nhận đối với người chuyển giới và người đa dạng giới. Các hành vi phát ngôn thù ghét hoặc ngầm kích động bạo lực đối với người LGBT cũng đang gia tăng, trong đó có cả diễn ngôn của các nhà lãnh đạo chính trị hoặc lãnh đạo tôn giáo có sức ảnh hưởng, họ đổ lỗi cho việc xuất hiện đại dịch là bởi vì sự tồn tại của người LGBT trong cộng đồng. Các cơ chế và công nghệ kỹ thuật số nhằm giám sát COVID-19 cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư và trầm trọng hóa tình trạng kỳ thị đối với người LGBT.
Đối với các tổ chức xã hội vốn dĩ đã luôn phải đối mặt với các nguy cơ và sự đe dọa, thì trong bối cảnh lây lan của đại dịch COVID-19, họ càng phải làm việc cật lực hơn để lấp đầy những khoảng trống bị các quốc gia bỏ lại: kêu gọi thu thập và phân phát nước uống và thực phẩm, vật liệu vệ sinh và khẩu trang; kết nối các mạng lưới truyền thông, đoàn kết cộng đồng và thực hiện các bảo trợ xã hội; tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Các tổ chức địa phương và toàn cầu cũng đã có những xử trí kịp thời và hiệu quả bằng việc lập ra các quỹ phản ứng nhanh cho phép duy trì kênh điện thoại, mạng internet luôn ổn định để có thể cập nhật được tình hình một cách nhanh chóng. Hệ thống phức tạp này, bao gồm việc cảnh báo sớm, ý thức cộng đồng, vận động và theo dõi tiếp tục, đã được xây dựng trong năm thập kỷ trở lại đây bởi sự cống hiến của những người bảo vệ quyền con người, những người đã làm việc không ngừng nghỉ nhằm thúc đẩy cho quyền con người của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới, chính là một tài sản có ý nghĩa sâu sắc và có giá trị cho cộng đồng toàn cầu. Nó đã thể hiện năng lực độc đáo của mình trong việc đáp ứng một cách hiệu quả và tương thích với những nhu cầu ở các cấp độ địa phương và cả cấp độ riêng tư nhất, và chứng minh các nhu cầu này bằng các thuật ngữ cấp quốc gia, cấp vùng và cấp toàn cầu, nó cũng là công cụ trong các liên minh toàn cầu độc nhất được tạo ra để giải quyết đại dịch HIV/AIDS, đảm bảo việc công nhận quyền của người LGBT như quyền con người, lên án và xóa bỏ việc tội phạm hóa người LGBT trong xã hội, cũng như khởi xướng việc thay đổi xã hội cả về chiều sâu lẫn chiều rộng bằng việc thúc đẩy tính bao gồm trong giáo dục - y tế - tuyển dụng - nhà ở - nước sạch - vệ sinh và tất cả các lĩnh vực khác của xã hội.
Do đó, chúng tôi kêu gọi các quốc gia và các bên liên quan khác, nhân dịp ngày 17 tháng Năm sắp đến và cũng như trong giai đoạn của đại dịch COVID-19, có thể chung tay nhằm giúp người LGBT có thể an toàn hiện diện, cũng như có các biện pháp bảo vệ họ trong bối cảnh đại dịch. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết – bao gồm tiến hành các nghiên cứu, áp dụng các chính sách luật, chính sách công, cũng như đảm bảo quyền được tiếp cận đến các cơ chế pháp lý – để chắc chắn rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này sẽ không làm trầm trọng thêm các quan niệm sai lầm, định kiến, bất bình đẳng hoặc rào cản mang tính cấu trúc, cũng không dẫn đến việc gia tăng các bạo lực và việc phân biệt đối xử với những người có khuynh hướng tính dục và bản dạng giới đa dạng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các quốc gia, khẩn trương thực hiện các hành động được thiết kế để duy trì và đảm bảo tính liên tục và ổn định cho công việc xã hội dân sự và những người bảo vệ nhân quyền – các nguồn lực hiện có của lĩnh vực này không bị đe dọa hay đặt vào tình trạng nguy hiểm. Và để đáp ứng hiệu quả các mục tiêu này, chúng tôi kêu gọi các quốc gia cùng chung tay với người LGBT, các tổ chức và cộng đồng trong việc thiết kế, thực hiện và đánh giá các biện pháp đã, đang và sẽ được thực hiện để ứng phó với đại dịch.
Lịch sử của cộng đồng LGBT - cũng giống như bất kỳ những nhóm đã luôn bị phân biệt đối xử và tấn công bạo lực - là những trang giấy chứa đầy sự chịu đựng, đau khổ, cũng như hy vọng – một cuộc đấu tranh sống còn cho tự do và bình đẳng khi phải đối mặt với các nghịch cảnh trong cuộc sống. Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, chúng tôi kêu gọi các cơ quan nhà nước hãy lắng nghe những mối quan tâm đặc biệt của người LGBT, tôn trọng những điều riêng biệt trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng của họ, và chấp nhận sự đoàn kết của họ trong việc xây dựng một thực tế mới về tự do và bình đẳng cho toàn nhân loại.
---
*Danh sách các chuyên gia: xem ở bản gốc tiếng Anh tại trang của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Dịch bởi Trung Tâm ICS, bản dịch không chính thức.